nhớ supcribe kênh của mình nha , mình sẽ liên tục cập nhật những beat sáo c5 và những bản sáo hay nhất cho các bạn
Vào đời với tuổi học trò.
Vào một buổi sáng sớm của ngày Nguyệt tận, 29 tháng Sáu năm Quý Dậu, tôi
cất tiếng khóc chào đời với hai con mặt nhắm lại có lẽ vì tôi không
muốn nhìn những vật thể chung quanh đang quay cuồng trong cái Xã Hội
Việt Nam vào những năm đầu của Thập Niên 1930. Tôi không chịu mở mắt khi
chào đời mà chỉ khóc cho cuộc đời vì tôi được sinh ra sớm hơn hai tháng
cho nên mấy ngày sau hai con mắt của tôi mới hé nhìn cảnh vật chung
quanh giống như mấy con chó cún sau mấy ngày sinh ra chúng mới mở mắt
vậy. Thế rồi tôi cũng được Bố Mẹ tôi mướn người chăm sóc đồng thời đã
đưa tôi về Quê Nội ở làng Kiều Trung, Huyện Thạch Thất Tỉnh Sơn Tây, nay
được đồi là Thôn Kiều Trung, Thị Trấn Phúc Thọ, Huyện Phúc Thọ Tỉnh Hà
Tây; để tôi không phải sống trong cái không khí ồn ào, ô nhiễm của Thành
Phố Hà Nội vào năm 1933; tôi đã sống với Bà Nội ở quê tôi cho đến khi
được bốn tuổi tôi mới trở về với Bố, với Mẹ và với các anh chị em như là
một đứa trẻ bình thường.
Khi được sáu tuổi tôi cũng được đưa đến trường Mẫu Giáo ở gần nhà để
chập chững bước vào đời như những người bạn cùng lứa tuổi, đến lúc này
khối óc non nớt của tôi cũng đã bắt đầu ghi nhận được những sự việc đang
xẩy ra hàng ngày chung quanh tôi. Bộ nhớ của khối óc bắt đầu cảm nhận
và in vào tiềm thức để rồi khi tới tuổi xế chiều, ngồi ôn lại quá khứ
như các bậc sinh thành thường nói: “già sống với kỷ niệm” tôi mới thấy
tuổi thơ của tôi cũng có nhiều thăng trầm như khi đến tuổi trưởng thành
vậy.
Sau đây tôi xin kể hầu quý bạn những chuyện thuộc về Thế Giới Tâm Linh
mà tôi đã gặp cũng như phải giải quyết đã được bắt nguồn từ những trò
chơi dại dột khi tôi còn nhỏ tuổi, câu chuyện bắt đầu:
Tuổi thơ với những trò chơi dại dột:
Vào những năm 1941, 1942, khi mà người Pháp còn đang cai trị Việt Nam,
mặc dầu đệ nhị Thế Chiến đang đến hồi quyết liệt nhưng Quân Đội Nhật
cũng chưa đặt chân được vào Đông Dương cho nên gia đình Bố mẹ và anh chị
em tôi vẫn còn buôn bán và ở dưới phố Khâm Thiên. Lúc đó tôi đang ở cái
tuổi nghịch ngợm nhất của tuổi thơ cho nên chị em chúng tôi mới tổ chức
những trò chơi dại dột dưới đây:
Phụ đồng chổi.
Phụ đồng chổi và phụ đồng cóc là mấy trò chơi của những người thuộc thế
hệ chúng tôi, phụ đồng cóc thì tôi chưa dám thực hiện vì nhà của Bố Mẹ
tôi không đủ chỗ cho người ngồi đồng “nhảy như cóc nhảy”, riêng phụ đồng
chổi thì chị em chúng tôi có thử chơi một lần rồi sau đó chúng tôi
không dám làm đến lần thứ hai. Muốn phụ đồng chổi phải làm như sau:
Người ngồi đồng – anh người làm của mẹ tôi, tuổi chừng 17 có tên là
Dương – ngồi xổm trên mặt đất, mắt nhắm lại, tay phải cầm một cái chổi
thường dùng để quét nhà, tôi cầm ba nén nhang quơ đi quơ lại trước mặt
anh Dương, mấy người ngồi chung quanh gồm có chị tôi, cô em họ tên
Nhung, và chú em tôi, tất cả là bốn người cùng đọc ‘Thần Trú’ bài phụ
đồng như sau:
“Phụ đồng Chổi – Thôi lổi mà lên – Ba bề bốn bên – Đồng lên cho chóng –
Nhược bằng cửa đóng – Phá ra mà vào – Cách sông cách ao – Thì vào cho
được – Cách roi cách vọt – Thì đánh cho đau – Hàng trầu hàng cau – Là
hàng con gái – Hàng bánh hàng trái – Là hàng bà già – Hàng hương hàng
hoa – Là hàng cúng Phật – Đội mũ đi tế – Là ông Cẩm Đô – Đánh trông phầt
cờ - Là phụ đồng chổi”.
Cứ như thế chị em chúng tôi đọc chừng năm hay sáu lần bài phụ đồng nói
trên thì anh Dương bắt đầu mở mắt, hai con mắt của anh trông lờ đờ rồi
cứ thế anh cầm cây chổi quét đi quét lại chung quanh gian nhà chúng tôi
đang chơi trò chơi phụ đồng chổi; nghe chúng tôi ồn áo dưới nhà ngang,
mẹ tôi vội chạy xuống và khi thấy anh Dương đang cầm cái chổi quét qua
quét lại, biết chúng tôi tinh nghịch nên mẹ tôi đã cầm nguyên thau nước
lạnh rồi tạt vào người anh Dương và thế là “thăng đồng”.
Linh hồn người sống không nhập được vào xác phàm khi đang nằm ngủ trên giường.
Lần tinh nghịch thứ hai của anh em chúng tôi sau phụ đồng chổi là một
trò chơi mà chúng tôi nghịch vào lúc bấy giờ chúng tôi không nghĩ rằng
thân xác chúng ta lại có hai phần: phần một là xác phàm và phần hai là
Linh Hồn; tôi xin kể ra đây để quý bạn đọc cùng suy ngẫm về con người
hiện tại của chúng ta. Trò chơi tinh nghịch được bắt đầu như sau:
Một ngày nắng ráo của mùa hè năm 1942, buổi trưa hôm đó vào khoảng 2 giờ
chiều, tôi và chú em tôi thấy anh Dương đang nằm ngủ say trên lầu (gác)
tại nhà của bố mẹ tôi ở Phố khâm Thiên; tôi bèn cùng với chú em tôi lấy
sợi giây đay, môt loại giây được dùng để khâu hay cột hoặc dệt thành
những bao đựng gạo lúc bấy giờ, chúng tôi cột chặt hai ngón chân cái của
anh Dương lại với nhau rồi cột vào chân giường vì chúng tôi cứ nghĩ
rằng khi anh Dương tỉnh dậy và bước xuống giường thì thế nào cũng ngã
(té) và chúng tôi sẽ có một trận cười ngả nghiêng, nhưng thưa quý bạn,
anh Dương đã ngủ luôn cho đến 4 giờ chiều mà không thấy dậy. Sau mấy
tiếng đồng hồ không thấy anh người làm xuống phụ buôn bán nên mẹ tôi mới
gọi vọng lên trên gác nơi anh em chúng tôi đang rình xem chừng nào anh
người làm tỉnh giấc, mẹ tôi gọi lớn tiếng:
- Thằng Dương đâu rồi? ngủ gì mà ngủ kỹ vậy? mấy anh em con gọi nó xuống
giúp mẹ cái coi. Chúng tôi sợ quá bèn lay anh Dương để đánh thức anh
dậy nhưng chúng tôi không làm sao cho anh ấy thức giấc được nên sau đó
chúng tôi vội nói với mẹ tôi:
- Mẹ ơi, anh Dương ngủ trên này nhưng chúng con gọi mãi mà không thấy
anh ấy dậy, mẹ lên mà coi đi. Nghe vậy mẹ tôi cầm cái roi mây chạy lên
lầu và khi thấy hai ngón chân của anh Dương bị cột chặt lại với nhau, mẹ
tôi quay sang hỏi chúng tôi:
- Đứa nào cột chân thằng Dương lại với nhau như thế này? Sau câu nói đó
là anh em chúng tôi mỗi đứa ăn mấy cái roi mây ngồi khóc với nhau trong
lúc mẹ tôi vừa cởi trói cho anh Dương vừa gọi lớn tiếng: “Hú ba hồn bảy
vía thằng Dương ở đâu thì về”.
Nghe tiếng ồn ào ở trên lầu, mấy người bạn của mẹ tôi vội chạy lên nhưng
khi nhìn thấy quang cảnh trong căn nhà và anh Dương thì nằm bất động
như người chết rồi và chỉ còn thoi thóp thở mà thôi, mấy bà bèn phụ mẹ
tôi để gọi hồn vía của anh Dương về để nhập vào xác anh đang nằm trên
giường; một bà thì giật tóc mai để anh tỉnh lại, một bà khác lấy một cái
tô lớn bắt anh em chúng tôi đái vào để lấy nước đái rồi cậy miệng anh
Dương đổ hết tô nước tiểu thì anh ta tỉnh dậy. Sau khi tỉnh lại, anh có
kể cho mọi người nghe trong lúc “hồn anh lìa khỏi xác” như sau:
“Khi anh Dương ngủ say, anh mơ thấy anh đang đi lang thang gần đó; bất
chợt bị trói hai ngón chân cái lại với nhau thì cũng là lúc anh trở về
nhà nhưng khi thấy hai ngón chân bị trói chặt lại Linh Hồn anh đã không
thể nào nhập được vào thân xác của anh đang nằm ở trên giường. Thế rồi
“linh hồn” anh cứ đi lang thang chung quanh nhà, anh được chứng kiến mọi
chuyện xẩy ra trong nhà cho đến khi anh nghe tiếng mẹ tôi gọi: “Ba hồn
bảy vía của anh” đồng thời cởi trói cho anh lúc đó linh hồn anh mới nhập
được vào thân xác đang nằm trên giường để mở mắt tỉnh dậy như người
bệnh sau một giấc ngủ dài”.
Tôi viết ra đây câu chuyện này để quý bạn đọc suy ngẫm thôi nhé chứ đừng
có ai dại dột mà bắt chước anh em chúng tôi để rồi mang họa và tôi
không chịu trách nhiệm nếu có ai tinh nghịch như anh em chúng tôi khi
chúng tôi còn nhỏ tuổi vào những năm đầu của thập niên 1940.
Cũng kể từ sau lần tinh nghịch này, chúng tôi không còn nghĩ đến những
trò chơi táo bạo nào khác, cho đến mười năm sau, năm 1952, tôi mới gặp
lại một “biến cố” của gia đình bố mẹ tôi qua việc những người đã chết
nhập vào người sống để “xin ăn”; mời quý bạn coi câu truyện dưới đây thì
sẽ rõ.